Ý nghĩa tranh đồng chữ TÂM

Ý nghĩa tranh đồng chữ TÂM

Ngày đăng: 29/08/2023 03:53 PM

    Kết thúc Truyện Kiều, để lý giải cho thuyết “ tài mệnh tương đố” của mình, Nguyễn Du đã quay về với tư tưởng Phật giáo khi ông viết :
                         “ Thiện căn ở tại lòng ta
                  Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”

    Trong  cuộc sống đời thường, chúng ta cũng hay dùng cụm từ “ có tâm, có tầm” để chỉ những người vừa có tri thức, hiểu biết, lại vừa có đạo đức, có tấm lòng.
     Vậy “tâm” là gì ? Trong mỗi con người “cái tâm” “nằm” ở đâu? Hình dáng nó ra làm sao ? Làm thế nào để có thể “nhận biết” nó,“điều khiển” hay “làm chủ” được nó ? Đó là những câu hỏi mà ai cũng muốn hỏi, nhưng không phải ai cũng có thể trả lời được.

    Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật có dạy: "Nhứt thiết duy tâm tạo".
    Mọi sự mọi việc đều do tâm tạo ra tất cả. Công đức cũng do tâm tạo, nghiệp chướng cũng bởi tại tâm. Đó chính là tâm sanh diệt, lăng xăng lộn xộn, thay đổi luôn luôn, thường do tham sân si chi phối, thúc đẩy, điều khiển, cho nên con người thường tạo nghiệp bất thiện nhiều hơn là nghiệp thiện. Chúng ta đã thấu hiểu lý lẽ chân thật của cuộc đời là: vô thường, không có gì tồn tại vĩnh viễn, không có gì là tự nhiên sanh mà không có nguyên nhân.
    Luật nhân quả áp dụng trong ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Sinh sự thì sự sinh. Nhân nào thì quả nấy. Gieo gió thì gặt bão. Có lửa thì có khói. Cầu nguyện với tâm lăng xăn lộn xộn, chỉ đem lại sự bình an tâm trí tạm thời. Bình an thực sự chỉ có cho người thiện tâm. Thiên đàng, địa ngục, tuy là hai tâm trạng khác nhau, nhưng thực sự, tất cả chỉ là các trạng thái ở trong tâm của chúng ta mà thôi. 

    Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật có dạy: "Tùy tâm biến hiện".
    Mọi sự mọi việc trên thế gian này như thế nào, tốt hay xấu, lành hay dữ, đúng hay sai, phải hay quấy, được hay không, đều do vọng tâm của chúng ta biến hiện ra cả. Sự cảm thọ tùy theo tâm trạng, tùy theo cá nhân, không ai giống ai, không lúc nào giống với lúc nào, không thời nào giống với thời nào, không nơi nào giống với nơi nào. 

    Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy: "Tam giới tâm tận, tức thị niết bàn".
    Nghĩa là: Khi nào dứt sạch tâm trong ba cõi, lúc đó chúng ta mới thấy được niết bàn. Ba cõi, còn gọi là tam giới, đó là: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. 

    Khi tâm tham nổi lên, chúng ta sống trong dục giới, tức là cảnh giới đắm nhiễm tham dục, cảm thấy đau khổ triền miên vì lòng tham của con người không đáy, không bao giờ thỏa mãn được. Con người sống trong dục giới lúc nào cũng cảm thấy khao khát, thiếu thốn, được bao nhiêu cũng không thấy đủ, cho nên luôn luôn chạy đôn chạy đáo, tìm kiếm ngũ dục: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. 
    Khi tâm sân nổi lên, ngay lúc đó, chúng ta sống trong sắc giới, tức là cảnh giới chấp chặt sắc tướng, lòng như thiêu đốt, sắc mặt tái xanh, vì sự tức giận, vì sự bất mãn. Dù tâm tham không còn, tâm sân cũng tai hại vô cùng. 

    Chữ “tâm “theo nhiều trường phái triết học và tôn giáo sẽ có những ý nghĩa riêng nhưng quy tụ chung về những đặc điểm sau:

    Khi nhắc đến “tâm” là nhắc đến trái tim, lòng dạ, lương tâm con người. Mọi hành động của con người đều xuất phát từ cái tâm, tâm thiện thì suy nghĩ và hành động đúng đạo lí, lẽ phải; tâm không lành thì sẽ sinh tà ý và làm nhiều điều xấu xa, tội lỗi.

    Chữ “tâm” thường được dùng để hướng suy nghĩ của con người đến cái thiện, tu thân, dưỡng tính, sống tích cực và làm nhiều điều tốt lành. Tâm lệch lạc thì cuộc sống điên đảo đảo điên. Tâm gian dối thì cuộc sống bất an. Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù. Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui. Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá. Vậy nên hãy để tâm của mình đặt lên ngực để yêu thương, đặt lên tay để giúp đỡ người khác, lên mắt để thấy được nỗi khổ của tha nhân, lên chân để may mắn chạy đến với người cùng khổ, lên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh, lên tai để nghe lời góp ý của người khác, lên vai để chịu trách nhiệm…

    Trịnh Công Sơn đã từng mong mỏi : “ Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng...” Quả là một lời khuyên đầy ý nghĩa, vì bất cứ việc gì xuất phát từ “tấm lòng” và thực hiện với tất cả “tấm lòng” đều có cơ may mang lại kết quả tốt đẹp, không chỉ cho riêng mình, cho xã hội mà còn cho cả cộng đồng rộng lớn hơn là thế giới, là nhân loại. Ngược lại, những việc làm không thực sự xuất phát từ cái “tâm” trong sáng, tâm thiện, mà lại từ cái “tâm” ác, tâm tham thì hậu quả sẽ thật khó lường. Hãy đặt ngược vấn đề và thử tưởng tượng : “Trong cuộc sống, nếu không một ai có tấm lòng ...” điều gì sẽ xảy ra ?

    Có nhiều khách hàng băn khoăn không biết nên tặng bạn bè, người thân, cấp trên, hay đối tác chữ thư pháp nào là phù hợp nào là phúc, lộc, thọ, nào là tài lộc, thăng tiến… theo tôi nên tặng chữ tâm là hơn cả, đơn giản chữ tâm là cả tấm lòng chân thành, người tặng có tâm và gia chủ cũng có tâm, thiện căn tốt thì lo gì tài lộc, phúc đức không đến ” thiện căn ở tại lòng ta – chữ tâm còn trọng bằng ba chữ tài”. Tranh đồng chữ tâm thư pháp đẹp rất phù hợp để làm món quà tặng ý nghĩa cho bạn bè, người thân, quà tặng mừng tân gia, khai trương cửa hàng ăn uống, hiệu thuốc, bệnh viện.