Ý nghĩa cửu huyền thất tổ

Ý nghĩa cửu huyền thất tổ

Ngày đăng: 29/08/2023 02:46 PM

    Cửu Huyền Thất Tổ (chữ Hán: 九玄七祖) là cụm từ thường xuất hiện trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, với ý nghĩa bao gồm các vị ông bà tổ tiên đã mất. Khi khấn vái trước bàn thờ gia tiên, người chủ lễ sẽ khấn "Cửu Huyền Thất Tổ", hàm ý gửi lời khấn nguyện đến tất cả các vị. Trên ban thờ gia tiên của nhiều gia đình người Việt thường có một bài vị (thần chủ) chính giữa, đề bốn chữ "Cửu Huyền Thất Tổ" bằng chữ Hán hoặc chữ Quốc ngữ.

    Tuy hai cụm từ "Cửu Huyền" và "Thất Tổ" đều xuất hiện trong cổ văn Trung Quốc, nhưng toàn bộ cụm từ lại không được sử dụng trong văn hóa Trung Quốc hiện đại. Có thể khái niệm "Cửu Huyền Thất Tổ" trở nên phổ biến hơn sau khi du nhập vào Việt Nam, góp phần vào sự đại đồng tiểu dị giữa hai nền văn hóa.

    Hệ thống chiêu mục [昭穆] là cách sắp xếp chính trong miếu thờ tổ tiên. Hệ thống này bắt nguồn từ đầu thời Tây Chu (thế kỷ 11 - 770 TCN) và trở nên phổ biến nhất vào thế kỷ 8. Tùy theo thời đại mà một vị tổ tiên được thờ trong một miếu thờ riêng hoặc chỉ một bài vị.

    Trong hệ thống này, nơi thờ Thủy Tổ đặt ở chính giữa, bên trái là hàng chiêu, bên phải là hàng mục. Các đời tổ tiên lần lượt được xếp vào mỗi hàng. Nếu đời cha thờ ở hàng chiêu, thì đời con sẽ thờ ở hàng mục, đến đời cháu lại thờ ở hàng chiêu. Nhan Sư Cổ nhận xét trong sách Hán Thư [漢書] như sau, "Phụ chiêu tử mục, tôn phục vi chiêu" (父昭子穆,孫復為昭), có nghĩa là "Cha ở hàng chiêu, con ở hàng mục, cháu lại quay về hàng chiêu." Ông cũng giải thích rằng chiêu [昭] nghĩa là "sáng rỡ", mục [穆] nghĩa là "tráng lệ, ôn hòa". Sau giai đoạn tang chế ba năm thì mới tiến hành dời bài vị cũ, xếp đặt bài vị mới vào đúng hàng. Riêng có bài vị của Thái Tổ là không bao giờ được dời đi.

    "Tóm lại, Cửu Huyền Thất Tổ, vào thuở ban sơ, là một tổ hợp từ do Đạo giáo chế tác bằng cách vay mượn từ ngữ "Thất Tổ" của Đạo Nho kết hợp vào từ ngữ "Cửu Huyền" vốn từng có trước đó trong Đạo của mình. Khi đã trở thành thuật ngữ mới, đương nhiên là nó phải mang nội dung nghĩa đầu tiên theo quan điểm của Đạo giáo. Sau đó, trong hoàn cảnh tam giáo hợp nhất xảy ra, Đạo Phật đã mượn lại tổ hợp từ này từ Đạo giáo. Riêng bản thân Nho giáo thì có vẻ đã chưa từng mượn tổ hợp từ này trong sinh hoạt tế tự nội bộ của mình nhưng lại mượn một điều đặc biệt hơn, quan trọng hơn. Đó là thế giới tâm linh trong tư tưởng của nhà Phật và thế giới siêu thoát thế gian trong tư tưởng của Đạo giáo. Hay nói cách khác, khi Tam Giáo Hợp Nhất, Đạo Nho bấy giờ cũng như cái vỏ ốc tư duy hóa thạch đang hồi thô ráp rỗng ruột được đổ đầy vào đó tinh thần từ bi bác ái của nhà Phật cùng tinh thần phóng khoáng tự do khinh bạc tung hoành xuất thế của Đạo giáo."