Nguồn gốc thờ cúng tổ tiên của người Việt

Nguồn gốc thờ cúng tổ tiên của người Việt

Ngày đăng: 30/08/2023 09:43 AM

    Có người căn cứ vào một số đặc điểm tương đồng về mặt nghi thức thờ cúng tổ tiên của người Việt khi so sánh với người Hoa mà khẳng định: “sự thờ cúng tổ tiên ở người Việt về cơ bản bắt nguồn từ sự thờ cúng tổ tiên ở người Hán”. Cùng quan điểm này, Hà Văn Tăng và Trương Thìn viết: “Thờ cúng tổ tiên có thể lúc đầu cử hành trong người Hán, rồi lan sang người Việt. Và đến một thời điểm nào đó thì trở thành phong tục phổ biến của người Việt”

     

     

    Không đồng tình với quan niệm thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng du nhập từ Trung Quốc, Nguyễn Đăng Duy cho rằng: “Việc thờ cúng tổ tiên của người Việt đã có cái gốc, cái nền nội sinh chứ không phải do từ Trung Quốc xâm nhập vào như nhiều sách báo từ trước tới nay đã khẳng định”(. Dù thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng nội sinh hay ngoại nhập, với khoảng một nghìn năm Bắc thuộc, người Việt đã chịu ảnh hưởng của văn hóa, tín ngưỡng của người Hán cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam xưa đã tồn tại những điều kiện thuận lợi cho sự hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

     

     

    Ảnh hưởng của điều kiện kinh tế xã hội

    Ở thời kỳ đầu của xã hội nguyên thủy, nền kinh tế dựa vào săn bắt, hái lượm là chủ yếu nên sự tồn tại của con người lệ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Do đó, con người sùng bái tự nhiên - các nhiên thần. Khi xã hội loài người chuyển từ nền kinh tế săn bắt, hái lượm sang nền kinh tế trồng trọt và chăn nuôi đã đánh dấu bước phát triển mới của nhân loại. Con người không còn hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên như trước nữa, đồng thời khẳng định vai trò của người phụ nữ trong xã hội công xã nguyên thủy. 

    Sự ra đời của chế độ thị tộc phụ hệ là kết quả của việc công cụ sản xuất phát triển (theo các nhà khảo cổ học, thì việc sử dụng công cụ đồng rồi sắt đã có tác động mạnh đến sản xuất) kéo theo sự phân công lao động giữa trồng trọt, chăn nuôi và thủ công ngày càng rõ rệt. Bên cạnh đó, nhu cầu bảo vệ và mở rộng lãnh thổ do người đàn ông có sức mạnh cơ bắp hơn nữ giới đảm nhiệm. Từ yêu cầu sản xuất đến nhu cầu lãnh thổ đã nâng địa vị của người đàn ông lên hàng đầu. Cùng với sự biến đổi từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ, trình độ sản xuất của xã hội ngày càng cao, của cải làm ra ngày càng nhiều, đã xuất hiện vấn đề thừa kế tài sản. Quyền thừa kế tài sản theo dòng họ cha đã củng cố vững chắc vị trí của người đàn ông trong xã hội. Bằng uy tín của mình, những người đàn ông đã củng cố và thiêng hóa sự thờ cúng tổ tiên từng manh nha trong thời kỳ thị tộc mẫu quyền. Trong xã hội có giai cấp, vị trí của người đàn ông trong gia đình và ngoài xã hội càng được khẳng định, tạo điều kiện cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên phát triển mạnh.

     

     

    Ngoài ra, đối với trường hợp Việt Nam, nền kinh tế tiểu nông theo kiểu tự cung tự cấp đã tồn tại lâu dài trong xã hội cũng là cơ sở cho sự hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Mỗi gia đình là một cơ sở sản xuất độc lập, cũng là nơi tiêu thụ chính sản phẩm do họ làm ra. Vì vậy, tâm thế, tình cảm của người Việt thường hướng vào gia đình nhỏ của mình. Đó là một trong những lý do quan trọng khiến thờ cúng tổ tiên ở cấp độ gia đình được chú ý, quan tâm hơn cả.

    Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt được hình thành trực tiếp trên cơ sở phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng này. Khi địa vị, quyền lực của người đàn ông trong gia đình và xã hội vẫn được giữ vững thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn sẽ còn tồn tại trong cộng đồng.