Lưu ý khi lau dọn ban thờ ngày Tết Nguyên Đán

Lưu ý khi lau dọn ban thờ ngày Tết Nguyên Đán

Ngày đăng: 30/08/2023 03:42 PM

    Thông lệ dọn dẹp nhà cửa

    Không biết xuất hiện từ bao giờ, với người Việt, dọn dẹp ngày Tết đã trở thành thông lệ không thể thiếu. Ngày 23 tháng Chạp, sau lễ cúng “ông Công, ông Táo” thì công việc dọn dẹp, trang hoàng bàn thờ được thực hiện. Vì quan niệm rằng đây là thời điểm “thần linh đi vắng”, nên gia chủ tranh thủ sửa sang nơi thờ tự đón Tết. Với mong muốn cho đến đêm 30 tết, khi các vị thần linh trở về thì mọi việc đã hoàn tất đẹp đẽ.

    Công việc chủ yếu là dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, ban thờ. Bát hương được mang xuống hóa chân nhang (đốt các chân nhang cũ đi cho đỡ đầy bát hương), treo đèn, kết hoa, bày biện đồ lễ. Các đồ thờ tự lúc này có thể hạ xuống để lau chùi, đánh bóng. Sau khi hoàn tất, người ta nấu nước thơm để lau lại một lần nữa gọi là “tẩy uế”. Rồi tất cả đồ thờ cúng được sắp đặt lên ban thờ theo thứ tự, tùy quan niệm từng vùng.

    Bao Sái Bát hương thờ

    Dọn dẹp ban thờ nhất là những ngày đặc biệt như ngày rằm, mùng một hay những ngày cận tết. Vô cùng cần thiết và quan trọng, gần như trở thành tục lệ bất thành văn của người Việt. Vậy nên dọn dẹp ban thờ ông bà tổ tiên như thế nào? Dưới đây là các bước hướng dẫn dọn dẹp bàn thờ ngày Tết cơ bản nhất:

    Bước 1:

    Trước khi bao sái lau dọn nhà cửa sạch sẽ, mở toang các cửa trong nhà, chuẩn bị đồ cúng theo đủ năm phần:

    + Nến – tượng trưng cho Hỏa – sự ấm cúng trong nhà

    + Hương – tấu lời bái bạch

    + Hoa – sắc hoa giăng bủa, tươi mát gia cư

    + Quả – đĩa ngũ quả dâng lên bề trên

    + Thực – đồ cúng cho bề trên hưởng dụng, theo đúng quan niệm trước cúng  sau ăn. Ăn gì thì cúng nấy, cơ bản là xôi gấc, gà, bánh kẹo , đồ chay,…

    – Rượu trắng và một củ gừng để vỏ rửa sạch giã nát + khăn sạch (giã gừng và đổ rượu vào, ngâm khăn vào rượu trước khi lau dọn

    Bước 2 :

    Thắp một nén hương, khấn xin phép gia tiên/ các quan thần linh/ thần tài. Thông báo xin được dọn dẹp bàn thờ xin các Ngài tạm lánh sang 1 bên để thực hiện việc dọn dẹp. Đợi hương tàn thì bắt đầu dọn.

    Bước 3:

    Hạ các đồ muốn lau dọn xuống. Nếu có thể thì bạn nên tránh hoặc di chuyển bát hương xuống. Cần chuẩn bị bàn to và cao, phủ vải hoặc giấy đỏ, hạ đồ thờ cúng. Đặc biệt bạn không nên lau đồ trực tiếp trên bàn thờ. Dùng khăn sạch đã ngâm rượu gừng lau toàn bộ các đồ thờ trên bàn thờ. Sau đó dùng 1 khăn khô lau lại. 

    Bước 4

    Bao sái , rút tỉa chân hương. Rửa hai tay sạch bằng rượu gừng trước khi bao sái. Dùng một tay giữ chặt bát hương xuống tránh cho bát hương bị xê dịch. Lấy khăn khô, chổi khô lau quét toàn bộ bụi trên miệng, xung quanh bát hương xuống bàn thờ.Sau khi lau dọn, bạn phải dùng cả hai tay rút tỉa từng chân hương một cho tới khi chân hương còn số lẻ 1 / 3 / 5 / 7 / 9. Thường bát hương thần linh cần để lại năm chân hương ( ngũ hành tề tụ ), Bát hương khác để lại ba chân hương (sinh tài ). Chỗ chân hương rút ra để lên bàn có phủ vải/ giấy đỏ, sau đó hoá hết chân hương đó đi, tro tàn gom lại thả ra sông có dòng chảy.

    Bao Sái Bát hương thờ là việc không thể thiếu

    Sau đó lấy một khăn sạch khô lau dọn tàn từ chân hương cũ rơi xuống, dùng khăn ngâm rượu gừng lau lại 1 lần xung quanh bát hương là hoàn thành. Cuối cùng bạn lấy khăn khô lau và thu dọn hất toàn bộ bụi, tro trên bàn thờ xuống. Lấy một khăn sạch khác cũng đã ngâm rượu, lau lại toàn bộ bàn thờ, sau đó lại dùng khăn khô lau lại thêm lần nữa.

    Bước 5 :

    Đặt lại đồ thờ cúng, thay nước, thay chum gạo muối (nếu có), khấn xin thỉnh các Ngài về, báo cáo con đã xong việc.

    Những lưu ý khi lau dọn ban thờ ngày Tết bạn nên biết

    Ban thờ là nơi linh thiêng nhất trong nhà kết nối con cháu với ông bà tổ tiên. Bày trí dọn dẹp ban thờ gia tiên tùy thuộc mỗi gia chủ nhưng vẫn cần tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Gia chủ cần lưu ý khi dọn đẹp ban thờ ngày tết tránh tai họa, xui xẻo cả năm:

    Thời gian lau dọn ban thờ gia tiên

    Với những ngày thường, người nhà có thể làm sạch bàn thờ bất cứ khi nào cảm thấy bàn thờ bẩn hoặc vào những ngày đặc biệt ta lau dọn trước một ngày. Nhưng dịp Tết đến, các gia đình thực hiện việc này chu toàn hơn và người ta thường gọi đó là bao sái. Có hai thời điểm bao sái là ngày đưa ông Táo về trời và ngày rước ông Táo về. Và tuyệt đối phải dọn dẹp trước đêm giao thừa. 

    Theo phong tục Việt, đầu năm mới người ta rất ngại việc quét dọn sợ rằng sẽ quét hết mọi tài vận ra khỏi nhà thế nên những việc dọn dẹp nhà cửa, lau dọn bàn thờ tổ tiên cần thực hiện trước đêm giao thừa.

    Thắp hương thông báo gia tiên

    Trước khi dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, việc đầu tiên cần làm là chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên và thắp nén hương thông báo, xin phép tổ tiên cho phép bao sái. Đồng thời gia chủ chuẩn bị một chiếc bàn trải vải hoặc giấy đỏ để đặt bài vị, bát hương, đèn thờ, nến và đồ trang trí trên bàn thờ. Đợi sau khi hương cháy hết mới bắt đầu công việc.

    Khi lau dọn ban thờ gia tiên ngày tết, có một số lưu ý gia chủ nên nắm rõ

    Vật dụng lau dọn bàn thờ gia tiên

    Vì là khu vực linh thiêng, trang trọng nên ngay cả vật dụng lau dọn bàn thờ cũng hết sức kỹ lưỡng. Những vật dụng như khăn, chổi đều phải là vật dụng riêng chỉ dùng trên bàn thờ, vào dịp Tết gia đình Việt thường mua mới những vật dụng này để lau dọn bàn thờ gia tiên. Nước để lau dọn bàn thờ cũng phải là nước sạch, có khi người ta thay thế bằng nước ấm hoặc rượu trắng.

    Cách xử lý tro cốt bát hương

    Trong quá trình dọn bát hương bạn không nên đổ liền một mạch mà chỉ sử dụng muỗng để múc ra từ từ. Sau đó bạn đổ liền tro mới vào như vậy mang ý nghĩa "ra nhỏ vào lớn" tốt cho đường tiền tài của gia chủ. Chân hương cũ cần được dọn bớt và chỉ để lại 5 chân hương trong bát hương là vừa. Thường bát hương thần linh cần để lại 5 chân hương (ngũ hành tề tụ). Bát hương khác để lại 3 chân hương (sinh tài). Tro hương và chân hương cũ nên đốt thành tro rồi rải xuống sông hồ thanh mát, tránh rải xuống những nơi ô uế.

    Tránh làm đổ vỡ vật dụng bàn thờ

    Những đồ vật linh thiêng, thờ cúng có ý nghĩa quan trọng trong tâm linh người Việt thế nên bạn cần cực kỳ cẩn thận không làm đổ vỡ những vật dụng trên bàn thờ. Đặc biệt đối với bát hương, người ta tin rằng bát hương là dấu hiệu dẫn dắt hương linh, thần thánh, tổ tiên chứng giám cho gia đình thế nên trong quá trình lau dọn không nên xê dịch bát hương quá nhiều.

    Gần kết thúc một năm cũ và chuẩn bị bước sang một năm mới, việc lau dọn bàn thờ gia tiên được các gia đình cẩn trọng thực hiện rất kỹ càng không chỉ làm bàn thờ sạch sẽ mà còn mong muốn cho tổ thiên, thần linh luôn phù hộ, mang đến may mắn, tài vận cho gia đình. Vì vậy mà trong quá trình thực hiện lau dọn bàn thờ gia tiên bạn cần phải lưu ý những điều trên để không làm mất tài lộc trong nhà