Câu chuyện về Phật Thích Ca Đản Sinh

Câu chuyện về Phật Thích Ca Đản Sinh

Ngày đăng: 29/08/2023 03:46 PM

    Truyện kể rằng: Một hôm vào lễ vía Tinh Tú, vua Tịnh Phạn mở tiệc vui chơi trong thành Ca-tỳ-la-vệ. Sau khi dâng hương hoa cúng kiến trong cung điện xong, Hoàng Hậu Ma-da cùng gia đình ra ngoài thành để bố thí thức ăn và quần áo cho dân nghèo. Khi trở về cung an giấc, Hoàng Hậu nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà từ trên không trung bay xuống và sau đó lấy ngà mà khai hông bên hữu của bà mà chui vào. Hoàng Hậu bèn đem điều chiêm bao này thuật lại cho vua Tịnh Phạn nghe. Vừa nghe xong, nhà vua lấy làm lạ bèn cho mời các nhà tiên tri lỗi lạc đến để đoán mộng. Các nhà tiên tri đoán rằng:”Hoàng Hậu sẽ sanh ra một quý tử có tài đức song toàn”.

    Nhà vua rất vui mừng vì nghĩ rằng ngôi báu của Ngài từ đây có người truyền nối. Theo tục lệ của Ấn Độ thì Hoàng Hậu phải trở về nhà của cha mẹ là vua A Nậu Thích Ca (AnuShakya) ở nước Câu-ly (Koly) để cha mẹ chăm sóc trước khi sanh nở. Trên nửa đường đi về nhà cha mẹ, Hoàng Hậu cùng đoàn gia nhân tới vườn hoa Lâm tỳ ni (Lumbini) thì bình minh vừa ló dạng.

    Tương truyền rằng vì thấy vườn hoa tươi đẹp nên Hoàng Hậu Ma-da rảo bước ngắm hoa. Trông thấy nhánh hoa “vô ưu” mới nở vừa thơm vừa đẹp và cành lá sum suê nên Hoàng Hậu bèn lại gần và với tay bên phải để hái hoa thì Thái Tử bỗng đâu từ trong hông phải của bà chun ra. Khi đó bỗng nhiên từ dưới đất mọc lên một đóa hoa sen Thất Bảo lớn như bánh xe mà đỡ cho Ngài. Thái tử vừa giáng sinh thì bước đi bảy bước có bảy đóa sen đỡ chân. Một tay Ngài chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói rằng:”

    Thiên thượng thiên hạ
    Duy ngã độc tôn
    Vô lượng sinh tử
    Ư kim tận hỷ”

    Có nghĩa là:

    Trên trời, dưới trời
    Ta là người duy nhất
    Kiếp này là kiếp cuối cùng của Ta
    Vì không còn sinh tử nữa.

    Ý nghĩa hình ảnh Phật Thích Ca Đản Sinh

    Sau đây, chúng tôi sẽ trích dẫn nguyên vẹn 8 ý nghĩa về Phật Thích Ca Đản Sinh do thầy Thích Thái Hòa biên soạn

    Ý nghĩa thứ nhất:

    Đức Phật ra đời là để khơi mở tuệ giác cho hết thảy chúng sinh:

    - Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, tất cả chúng sinh đều có trí tuệ, nhưng trí tuệ đã bị chôn vùi bởi hàng hàng, lớp lớp vô minh. Do đó, sự xuất hiện Đức Phật trong cõi đời này là để khơi mở trí tuệ cho chúng ta, cho hết thảy chúng sinh, phá trừ tất cả màn hắc ám vô minh đó, để cho hết thảy chúng ta nhận ra được Phật tính ở nơi chúng ta, nhận ra được trí tuệ ở nơi mỗi chúng ta.

    - Tất cả chúng ta đều là dễ thương, hết thảy chúng sinh đều là dễ thương. Nhưng mà, chúng ta có thể làm cho chúng ta xấu đi, mọi người có thể làm cho chính họ xấu đi do tâm ích kỷ, tâm hờn giận. Tâm ích kỷ, tâm hờn giận làm cho chính chúng ta xấu đi, làm cho chúng ta không còn dễ thương nữa. Tâm ích kỷ, tâm hờn giận làm cho hết thảy chúng sinh không còn là chúng sinh dễ thương nữa.

    Do đó, sự ra đời của Đức Phật là khơi dậy tính dễ thương cho chúng ta, khơi dậy tính dễ thương cho tất cả chúng sanh, mà trong thuật ngữ Phật giáo, gọi sự ra đời của Đức Phật với chức năng là “Khai Phật tri kiến”.

    Ý nghĩa thứ hai:

    Đức Phật ra đời là để chỉ bày cho chúng ta một con đường hạnh phúc. Đức Phật ra đời là chỉ bày cho chúng ta một con đường an lạc và nhận diện được đâu là con đường hạnh phúc, đâu là con đường khổ đau, đâu là giá trị cao quý, đâu là không có giá trị ở trong cuộc sống của chúng ta. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, một đời sống có thể trở thành cao quý khi lời nói, hành động, việc làm của họ được phát xuất từ một tâm hồn cao quý. Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta cũng như tất cả chúng sinh thấy rõ rằng, lời nói tầm thường, hành động tầm thường, việc làm tầm thường có gốc rễ từ nơi một tâm hồn tầm thường.

    Tâm hồn tầm thường là tâm hồn gì? Là tâm hồn ích kỷ, đầy dẫy tham lam, đầy dẫy sân si, đầy dẫy cố chấp, đầy dẫy kiêu ngạo. Lời nói nào phát xuất từ tâm hồn kiêu ngạo, từ tâm hồn ích kỷ, hẹp hòi… lẽ đương nhiên lời nói đó có khả năng tàn hoại hết thảy hạnh phúc, an lạc của chúng ta, có khả năng tàn phá hết đời sống cao quý của chúng ta. Muốn bảo toàn hạnh phúc, muốn bảo toàn an lạc, Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta rất rõ là phải nuôi dưỡng tâm hồn từ, bi, hỷ, xả. Chúng ta muốn hạnh phúc, an lạc mà không biết nuôi dưỡng tâm hồn từ, bi, hỷ, xả thì hạnh phúc, an lạc không thể nào có được. Chúng ta muốn sống một đời sống cao thượng mà không biết nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn từ, bi, hỷ, xả thì chúng ta không thể nào có đời sống cao thượng được.

    Điều đó, Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ. Và hai mươi lăm thế kỷ như vậy, những người nghe lời Đức Phật dạy, họ hành trì, họ thực tập và chính những người đó đã có hạnh phúc, an lạc, không những hạnh phúc, an lạc ở đời sau mà hạnh phúc, an lạc ngay trong đời này. Bởi vậy, trong Kinh nói rằng, Đức Phật ra đời là để “Thị Phật Tri Kiến” cho hết thảy chúng sinh. Thị Phật Tri Kiến là chỉ rõ bản chất giác ngộ cho hết thảy chúng sinh. Khi mà chúng sinh nhận ra, thấy rõ bản chất giác ngộ đó rồi, thì bắt đầu xây dựng đời sống hạnh phúc, an lạc cho mình và cho hết thảy mọi người.

    Ý nghĩa thứ ba:

    Đức Phật ra đời khiến cho chúng sinh, dạy cho chúng sinh thành tựu được giác ngộ ngay ở trong đời sống của chính mình. Giác ngộ là giác ngộ ngay trong đời sống của chính mình, ngoài đời sống của chính mình ra không có đời sống giác ngộ nào để cho chúng ta đi tìm kiếm. Chúng ta có thể tìm kiếm là tìm kiếm giác ngộ ngay ở thân và tâm của chúng ta. Chúng ta có thể đi tìm giác ngộ ngay trong đời sống của chúng ta, chúng ta không thể vứt bỏ cách đi, cách đứng, cách nằm, cách ngồi, cách tiếp xúc giao tiếp hằng ngày của chúng ta mà có sự giác ngộ.

    Do đó, Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta rằng, đời sống của chúng ta, dù một kẻ tầm thường đến mức nào đi nữa cũng có khả năng giác ngộ. Một người đau khổ tột cùng cũng có thể vươn mình đi đến đời sống hạnh phúc, an lạc. Dù một kẻ rất tầm thường cũng có thể vươn mình đi đến đời sống thánh thiện, cao thượng.

    Điều đó, Đức Phật đã dạy cho chúng ta, cho hết thảy chúng sinh hơn hai mươi lăm thế kỷ. Trong lịch sử, cũng như trong đời sống thực tế, chúng ta đã thấy bao nhiêu kẻ trong đời sống tầm thường, họ không gặp Phật pháp, họ không nghe được lời giáo huấn cao quý của những Bậc phạm hạnh, nhưng khi họ gặp được thì họ có cơ duyên trở thành người cao quý. Bao nhiêu kẻ bất hiếu với cha, bất hiếu với mẹ, nhưng khi gặp thầy hiền, bạn tốt, sống trong một khung cảnh dễ thương, họ trở thành một con người hiếu kính, một con người thuần thiện. Điều đó đã chứng tỏ rằng, chúng ta có thể giác ngộ được, nhận ra được cái tính chất cao thượng của chúng ta ngay trong đời sống của chúng ta.

    Ngày xưa, khi Vua A Dục chưa gặp Phật pháp là một vị Vua hết sức tàn ác, tàn ác đến nỗi giết cha, giết chín mươi chín người anh để đoạt ngôi. Thế mà khi A Dục gặp được một vị Thánh tăng giáo hóa, thì bao nhiêu điều xấu ác của ông đã trở thành con người hoàn thiện. Nói như vậy để cho tất cả chúng ta thấy rằng, cái ác, cái xấu ở giữa đời không đâu là không có và không lúc nào là không có. Vậy, chúng ta không sợ rằng chúng ta xấu, chúng ta không sợ rằng chúng ta ác, mà chỉ sợ rằng, chúng ta không nhận ra điều ác để tránh, không nhận ra được điều xấu để chúng ta từ bỏ. Chúng ta chỉ sợ rằng, chúng ta bị vô minh ám chướng, nhận thức sai lầm, để rồi bị đầu độc mà không nhận ra được giá trị cao quý trong đời sống của chúng ta, để chúng ta vươn mình đi tới cái cao quý, tốt đẹp.

    Ngày xưa, có một vị Tổ dạy rằng:

    “Bất úy tham sân khởi

    Duy khủng tự giác trì”

    Nghĩa là:

    “Không sợ hãi tham sân khởi dậy,

    Mà chỉ sợ mình giác ngộ chậm”.

    Nếu mình hiểu được đạo, giác ngộ được đạo, thì bao nhiêu xấu xa, bao nhiêu cái tầm thường ở trong đời sống cuả mình cũng được chuyển hóa thành cái cao thượng, có ý nghĩa. Bởi vậy, mà trong Kinh diễn tả rằng, Đức Phật ra đời với ý nghĩa là “Ngộ Phật Tri Kiến” cho hết thảy chúng sinh, nghĩa là làm cho hết thảy chúng sinh giác ngộ được những gì mà Đức Phật đã giác ngộ, hiểu rõ bản thân mình đúng như những gì mà tuệ giác đã nhận ra, chứ không phải hiểu bản thân mình bằng vô minh ái nghiệp.

    Ý nghĩa thứ tư:

    Đức Phật ra đời dạy dỗ, giáo hóa, dìu dắt, hướng dẫn khiến cho chúng ta và hết thảy chúng sinh đều sống cuộc đời như Đức Phật đã sống. Nghĩa là, Đức Phật đã sống như thế nào, Đức Phật biết như thế nào thì Ngài sống như thế đó, Ngài nói như thế nào, thì Ngài làm như thế đó. Ngài làm như thế nào, thì Ngài nói như thế đó. Ngài biết rằng tham là nguy hiểm, tham là mất nhân cách, tham là làm cho mình nghèo đi, Ngài biết như vậy cho nên ngài không tham. Còn ai thấy tham làm cho mình giàu , làm cho mình hạnh phúc thì người đó cứ tham.

    Nhưng càng tham lam thì lại càng đau khổ, càng tham thì lại càng mất nhân cách. Đức Phật nói, càng tham thì lại càng làm cho mình tầm thường, càng tham thì làm cho mình càng nhỏ nhoi; càng tham thì lại càng làm cho cha con xa nhau, càng tham thì lại càng làm cho vợ chồng xa nhau, anh em xa nhau, bạn bè xa nhau.

    Đức Phật đã nói điều đó hơn hai mươi lăm thế kỷ và những kẻ trí ở trong đời, họ đã đón nhận nó và đã sống. Những người nào sống trong đời sống với tâm ly tham thì người đó đầy đủ nhân cách, người đó thật sự hạnh phúc. Người đó sống trong gia đình họ hạnh phúc, người đó đi giữa họ hàng họ hạnh phúc, họ đi ra giữa xã hội họ hạnh phúc, họ đem được nhiều lợi ích cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội và người đó không những hạnh phúc trong đời này , mà đời sau họ cũng hạnh phúc. Bởi vậy, Như Lai nói những gì Như Lai biết, Như lai đã làm, Như lai đã chứng nghiệm, Như Lai đã thấy rõ, Như Lai đã sống.

    Như vậy, Đức Phật ra đời với ý nghĩa thứ tư là những gì Ngài nói thì Ngài đã làm và những gì Ngài đã làm Ngài mới nói. Còn tất cả chúng ta chưa làm mà đã nói, chưa làm được việc nào tốt đẹp cả mà khoa trương, lắm lời về sự tốt đẹp. Tất cả chúng ta chỉ nói lên những lời tốt đẹp, mà không làm những điều tốt đẹp. Do đó, cái xấu, cái khổ, cái thất vọng vẫn luôn luôn theo đuổi chúng ta như bóng với hình. Với ý nghĩa thứ tư này, trong Kinh diễn tả mục đích của Phật ra đời là “Nhập Phật Tri Kiến” cho hết thảy chúng sinh. Nghĩa là, Đức Phật bước đi là bước đi bằng tuệ giác. Ngài đứng là cách đứng của tuệ giác. Ngài nằm là cách nằm của tuệ giác. Ngài ngồi là cách ngồi của tuệ giác. Ngài nhìn là cách nhìn của tuệ giác. Ngài nghe là cách nghe của tuệ giác. Ngài ngửi là cách ngửi của tuệ giác. Ngài thở là cách thở của tuệ giác. Bởi vì, tất cả những cái đi, đứng, nằm, ngồi, nói, cười, tiếp xúc bằng năng lượng tuệ giác đó, nên trong đời sống của Đức Phật không còn mảy may sai lầm.

    Còn chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi bằng vọng niệm. Chúng ta nói, nhìn, nghe, ngửi, ăn bằng điên đảo tưởng. Chính cái điên đảo tưởng đó thúc đẩy chúng ta đi vào con đường khổ đau, con đường bất ổn. Bởi vậy, suốt hơn hai mươi lăm thế kỷ, bao nhiêu bậc Thánh trí ở trong đời sau khi nghe những lời Phật dạy, đem những lời Phật dạy đó vào trong đời sống của mình để thực tập, để sống và bao nhiêu bậc Thánh trí ở trong đời đã có hạnh phúc, đã có an lạc.

    Ý nghĩa thứ năm:

    Ngộ rồi chưa đủ, phải thể nhập với Phật tính đó và biểu hiện Phật tính đó trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Như vậy ngộ rồi thì phải nhập, mà nhập rồi thì phải xuất, nhập mà không xuất thì nghĩa nhập đó không thành. Bởi vì, nhập mà không xuất thì bí, cho nên nhập là phải xuất.

    Trong vô lượng kiếp về trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng hành Bồ Tát đạo. Từ nơi Đức Phật Oai Âm Vương cách đây hàng tỉ tỉ kiếp, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng học với Đức Phật Oai Âm Vương. Đức Phật Oai Âm Vương đã từng khai, thị, ngộ, nhập, tri, kiến cho Phật Thích Ca Mâu Ni. Và sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập được Phật tri kiến rồi, Ngài bắt đầu xuất ở nơi thế giới Ta Bà này. Xuất ở nơi thế giới Ta Bà này, Ngài vui với cái vui của chúng ta, buồn với cái buồn của chúng ta, Ngài nằm gai nếm mật với chúng ta. Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện trong mười phương thế giới, xuất hiện trong cõi Ta Bà này là Ngài bắt đầu đi con đường của Thánh đạo, con đường Bồ Tát để đưa mình và hết thảy chúng sinh đi về với con đường giác ngộ.